Khoa Khoa học Quản lý tổ chức seminar nâng cao năng lực công bố quốc tế của giảng viên và học viên cao học

19/11/2023 20:03     350


Góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên, chiều ngày 13/11/2023, khoa Khoa học Quản lý đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm về tiếp cận công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học môi trường.
Với kinh nghiệm dày dặn trong viết bài nghiên cứu công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín thuộc chuyên ngành Khoa học môi trường, PGS.TS. Đào Minh Trung, TS. Nguyễn Thị Ân, TS. Trần Thị Anh Thư, TS. Nguyễn Hiền Thân, TS. Lê Trọng Diệu Hiền, TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo thuộc chuyên ngành Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên môi trường đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cấu trúc chung khi viết bài báo quốc tế, các giai đoạn thực hiện công bố quốc tế, tầm quan trọng vể tổng quan nghiên cứu, phương pháp trích dẫn tài liệu tham khảo, cách sử dụng phần mềm xử lý số liệu, các nguyên tắc trong liêm chính khoa học,… Để xây dựng nền tảng tốt cho việc nghiên cứu, TS. Nguyễn Hiền Thân, TS. Lê Trọng Diệu Hiền lưu ý, ngoài việc nắm vững kiến thức chuyên môn, kiến thức về phương pháp nghiên cứu, thì khả năng sử dụng công cụ thống kê, xử lý dữ liệu, trình bày dữ liệu là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn khi thực hiện nghiên cứu và một số lỗi viết bài nghiên cứu bị từ chối bởi các tạp chí lớn. Theo TS. Trần Thị Ân, tác giả bài báo lưu ý các lỗi có thể tránh như: bài báo không thích hợp với tạp chí, bài báo thiếu tính mới, bài cáo gặp vấn đề về phương pháp nghiên cứu, cách trình bày bài báo bằng tiếng anh,…
Khằng định tầm quan trọng của lĩnh vực công bố quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng với cá nhân nhà khoa học, cũng như khẳng định thương hiệu và uy tín của cơ sở giáo dục. Trong đó, yếu tố liêm chính khoa học được đề cao trong hoạt động học thuật, PGS.TS. Đào Minh Trung lưu ý, ba nguyên tắc chính trong công bố công trình nghiên cứu, đó là: độ tin cậy, tính trung thực, tôn trọng. Ngoài các nguyên tắc chính kể trên, để giúp bảo đảm “chất lượng của công trình khoa học” thì liêm chính trong khoa học có thể nới rộng hơn khi bàn về việc “đạo văn” khi sử dụng lại các câu từ, cách hành văn mà người trước đó sử dụng. Mặt khác, để giúp các giảng viên tìm kiếm các địa chỉ xuất bản phù hợp với năng lực công bố quốc tế, TS Trần Thị Anh Thư đã giới thệu, hướng dẫn cách tìm các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI, Scopus; cách kiểm tra mức độ tin cậy của các tạp chí quốc tế.
Xuyên suốt buổi tọa đàm, các diễn giả đã dành thời gian trao đổi, giải đáp các thắc mắc về quy trình xuất bản và phản hồi của các tạp chí; công cụ hỗ trợ xác định đạo văn, độ trùng lặp, cách phân hạng tạp chí theo Q1, Q2, Q3 hay Q4.

Một số hình ảnh liên quan

BBT