Khoa Khoa học Quản lý tổ chức Toạ đàm Kỹ năng hành nghề Luật

19/11/2023 19:40     351


Giúp sinh viên nắm rõ hơn về hệ thống ngành Luật tại Việt Nam, kinh nghiệm thực tế khi hành nghề luật, từng bước có những định hướng nghề nghiệp cụ thể cho bản thân, ngày 8/11/2023, Câu lạc bộ Luật gia tương lai phối hợp với Đoàn khoa Khoa học quản lý tổ chức chương trình tọa đàm “Kỹ năng hành nghề luật” dành cho sinh viên.
Chương trình tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia, cán bộ thi hành luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương: ông Huỳnh Trung Hiếu – Trưởng phòng 2 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương; ông Lê Văn Thiện – Thẩm phán Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Dầu Một; bà Ngô Thị Minh Loan – Trưởng ban pháp chế Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC; Luật sư Nguyễn Văn Thái - Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH ADB SAIGON. Về phía trường ĐH Thủ Dầu Một có, TS. Trương Thế Minh - Giám đốc CTĐT Luật.

Kỹ năng hành nghề luật sư là điều kiện cần giúp các bạn sinh viên có thể ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình theo đuổi nghề luật. Chia sẻ sâu về kỹ năng hành nghề luật sư, cán bộ tư pháp dành cho sinh viên khi mới ra trường, Luật sư Nguyễn Văn Thái cho biết, ngoài sự am tường kiến thức chuyên ngành pháp luật, nền tảng kiến thức xã hội sâu rộng, sinh viên cần có những kỹ năng vượt trội để trở thành luật sư tranh tụng giỏi, như: kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng tranh luận sắc bén, kỹ năng nghiên cứu và phân tích sâu sắc, kỹ năng đàm phán thuyết phục, kỹ năng giữ bình tĩnh tốt. Để có được những kỹ năng trên, sinh viên luật cần nghiêm túc trau dồi, mài dũa thành thạo kiến thức pháp luật và các kỹ năng từ trên ghế nhà trường, từ trong cuộc sống và kinh nghiệm thực hành nghề luật. 
Gợi mở cho sinh viên kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp chế doanh nghiệp, bất động sản, xây dựng, ngân hàng,… bà Ngô Thị Minh Loan – Trưởng ban Pháp chế Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC chia sẻ, cán bộ pháp chế doanh nghiệp đảm nhận chức năng xây dựng các quy chế quản lý nội bộ trong doanh nghiệp, giám sát, kiểm soát các hoạt động của các bộ phận trong doanh nghiệp hoạt động tuân thủ các quy định, quy chế nội bộ của doanh nghiệp, tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và của người lao động; tham gia tố tụng hoặc tham mưu thuê luật sư tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp. Theo đó, người làm pháp chế phải trang bị kiến thức pháp lý vững vàng, thông hiểu các văn bản pháp luật đa lĩnh vực. Đồng thời, bên cạnh những kỹ năng cơ bản, cần có phong thái làm việc chuyên nghiệp, giỏi giao tiếp và nắm bắt tâm lý, đàm phán với khách hàng, đối tác.

Dành lời khuyên cho sinh viên tốt nghiệp ngành luật có mong muốn trở thành kiểm sát viên làm việc tại các cơ quan thuộc Viện Kiểm sát, ông Huỳnh Trung Hiếu – Trưởng phòng 2 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương lưu ý tiêu chuẩn cần có, gồm: thi đỗ kỳ thi công chức ngành kiểm sát viên hoặc xét tuyển, đi học nghiệp vụ kiểm sát và được cơ quan bổ nhiệm. Để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên hội đủ kiến thức pháp lý của nhiều lĩnh vực, có khả năng hùng biện, phân tích, đánh giá, bảo vệ quan điểm đúng đắn trên cơ sở của các văn bản pháp luật. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, thì kiểm sát viên phải trau dồi kỹ năng ngôn ngữ nhằm thuận lợi trong hoạt động tranh tụng tại các phiên tòa.
Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ thi hành luật cũng đã giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của sinh viên về các tiêu chí trở thành giảng viên dạy ngành luật, chức năng nhiệm vụ của Sở Tư pháp tỉnh, các cơ quan tố tụng, thi hành án; các tiêu chí để trở thành luật sư, thư ký, thẩm phán; kỹ năng làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng; những khó khăn sinh viên có thể gặp phải sau khi ra trường.

Một số hình ảnh có liên quan

BBT